Còn trong quyển 1 của Đại Nhật Kinh Sơ có đề cập đến như sau: “Bồ Tát Phổ Hiền, Phổ nghĩa là trải khắp mọi nơi, Hiền là diệu thiện nhất. Ý nói Bồ Tát Phổ Hiền dựa hạnh nguyện phát ra từ tâm Bồ Đề và sự cân bằng của thân, khẩu, ý phổ khắp mọi nơi, diệu thiện thuần nhất, có đủ các đức, vì thế gọi là Phổ Hiền”.
Địa vị của Bồ Tát Phổ Hiền – Phật bản mệnh tuổi Thìn và tuổi Tỵ
Phật bản mệnh tuổi Thìn
Mặt dây chuyền Bồ Tát Phổ Hiền
Ngài được xem là một trong tứ đại Bồ Tát của Phật giáo (tứ đại Bồ Tát là Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Địa Tạng và Bồ Tát Phổ Hiền). Ngài và Bồ Tát Văn Thù là thị giả của Phật Thích Ca Mâu Ni. Bồ Tát Văn Thù cưỡi sư tử đứng thị giả ở bên trái và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng đứng thị giả ở bên phải.
Bồ Tát Văn Thù đại biểu cho trí, tuệ, chứng, nắm giữ trí tuệ và chứng đức của chư Phật. Bồ Tát Phổ Hiền đại biểu cho lý, định, hạnh, nắm giữ lý đức, định đức và hạnh đức của chư Phật. Các ngài cũng diễn giải sự hoàn bị viên mãn của lý trí, định tuệ và hạnh chứng của Như Lai. Cả hai vị bản tôn cùng với Phật Tỳ Lô Giá Na được gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Mật Tông xưng tụng Bồ Tát Phổ Hiền là Thiện Nhiếp Kim Cương, Chân Như Kim Cương, Như Ý Kim Cương. Ngài còn được xem là đồng thể với Kim Cương Tát Đỏa.
Trong Phật giáo Tạng truyền, tạo tượng riêng lẻ của Bồ Tát Phổ Hiền thường được miêu tả như sau: Ngài cưỡi trên voi trắng có sáu ngà, tay trái để sát hông hoặc cầm chuông, tay phải cầm chùy kim cương, đầu đội mũ Ngũ Phật, thân khoác áo màu, hình tượng giống như đồng tử 16 tuổi. Đặc trưng tạo tượng của ngài là sức mạnh và sự vững chãi, cho nên thường được hình dung với sự tu hành dũng mãnh mà ôn hòa của Bồ Tát. Hơn nữa, tượng thường có màu trắng, tượng trưng cho tâm tính thanh tịnh, biểu thị ý nghĩa Bồ Tát lấy Lục độ để thâu nhiếp vạn hạnh, lấy sự sắc nhọn của ngà voi để phá hủy chướng ngại, không sợ oán địch.
Sự tích Bồ tát Phổ Hiền
Bồ Tát Phổ Hiền vốn là thái tử thứ tư của vua Vô Chánh Niệm, tên thật là Năng Đà Nô. Vua Vô Tránh Niệm hàng nguyên khuyên bảo nên Thái tử Năng Đà Nô mới phát tâm cúng dường Phật Bảo Tạng và chúng sinh trong suốt 3 tháng liền. Khi đó, có quan đại thần trong triều tên là Bảo Hải, thấy vậy mới khuyên ngài rằng: “nay Điện Hạ đã có lòng, làm được nhiều công đức như thế, xin hãy thành tâm hồi hướng về đạo Vô Thượng Bồ Đề mà cầu được thành Phật, chứ hơn là cầu những phước báu tầm thường trên cõi nhân gian, vì cõi ấy vẫn còn trong vòng luân hồi sinh tử”.
Thái tử Năng Đà Nô nghe vậy, bèn tới thưa với Phật Bảo Tạng rằng: “Thưa Bạch Đức Thế Tôn, tôi đã cúng dường Ngài và chúng sinh trong 3 tháng, nay tôi xin thành tâm hồi hướng về đạo Vô Thượng Chánh Giác, nguyện phát tâm Bồ Đề, tu hạnh Bồ Tát mà giáo hóa chúng sinh được thành Phật đạo, và cũng nguyện được cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm, bao nhiêu những điều tốt đẹp và sự giáo hóa chúng sinh đều y như thế giới của Đức Phổ Hiền Như Lai vậy”.
Đức Bảo Tạng Như Lai nghe Thái tử Năng Đà Nô tâm nguyện như vậy, liền thọ ký rằng: “hay thay, người phát thệ nguyện lớn lao, muốn độ tất cả chúng sinh đều thành Phật đạo. Trong khi tu đạo Bồ Tát, dùng trí kim cang mà đập tan các núi phiền não của chúng sinh, vậy nên ta đặt hiệu cho người là Kim Cang Trí Huệ Quang Minh Công Đức, trải hằng sa kiếp làm nhiều công việc Phật sự rất lớn, rồi đến thế giới Bất Huyền ở phương Đông mà thành Phật, hiệu là Phổ Hiền Như Lai, chừng đó những điều tốt đẹp nghiêm trang của người đã cầu nguyện, tất thảy đều như ý”.
Khi đức Bảo Tạng Như Lai đã thọ ký cho thái tử rồi, bất chợt giữa hư không xuất hiện nhiều Thiên Tử ở các cõi trời mang theo đủ loại hoa thơm đẹp đến mà cúng dường và đồng thanh khen ngợi.
Thái tử Năng Đà Nô thưa với đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, nếu những lời nguyện của tôi sau này được như lời người thọ ký, nay tôi kính lễ Ngài và Chư Phật mà xin làm sao khắp cõi thế gian có đủ thứ hương thơm, cho mùi hương lan tỏa trong khắp cõi, và mọi chúng sinh trên khắp cõi nhân gian đang mắc phải nghiệp báo gì, nếu người được mùi hương thơm ấy, thì đều được thoát khổ và lại hưởng sự an vui”.
Thái tử Năng Đà Nô thưa xong, còn đang cúi đầu lễ Phật, thì trên thế gian có mùi hương thơm lan tỏa khắp nơi, tràn vào các cõi. Lúc đó, mọi chúng sinh ngửi được mùi hương ấy, bỗng chốc yên vui, các phiền não hết thảy như được tiêu trừ. Thái tử nhờ Phật thọ ký như vậy, thân tâm vui mừng, bèn để lễ Phật rồi ngồi xuống nghe Ngài thuyết pháp.
Thái tử nhờ công đức vô cùng lớn lao đó mà sau khi mạng chung, sinh ra các thân khác và các đời khác, kiếp nào cũng nhớ lời thề nguyện mà dốc sức làm Phật sự và hóa độ chúng sinh, để cầu cho viên mãn những gì Ngài đã phát nguyện.
Bởi vì ngài có lòng tu hành như vậy nên đã thành Phật ở cõi Bất huyền và nay hóa thân vô số ở trong thế gian mà giáo hóa chúng sinh.
10 hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền
Phật bản mệnh của người tuổi Thìn và tuổi Tỵ là Bồ Tát Phổ Hiền có 10 đại nguyện, còn được gọi là Phổ Hiền nguyện hải, chỉ nguyện vọng của ngài như biển lớn. Trong đại hội Hoa Nghiêm được ngài diễn thuyết là:
Lễ kính chư Phật.
Khen ngợi Như Lai.
Tu hành và cúng dàng rộng rãi.
Sám hối nghiệp chướng.
Tùy hỷ công đức.
Thỉnh chuyển pháp luân.
Thỉnh Phật trụ thế.
Thường tu học Phật.
Thuận theo chúng sinh.
Hồi hướng phổ độ.
Trong văn hóa Việt Nam, Bồ Tát Phổ Hiền là Phật bản mệnh của người tuổi Thìn và tuổi Tỵ.